1 - Thưa chị, lời khen có tác dụng như thế nào trong việc dạy trẻ?
Với tất cả mọi người trên cõi đời này, không ai đủ trưởng thành và đủ già dặn đến mức không cần đến lời khen tặng chân thành nữa! Trong một con người luôn có sẵn 2 phần TỐT và XẤU (thiện và ác), mà qui luật của tạo hóa là: khi ta tập trung năng lượng tâm trí vào phần nào thì phần đó sẽ có chiều hướng tăng lên (giải nghĩa về Năng Lượng Tâm Trí: xin đọc loạt bài QUẲNG GÁNH LO ĐI ĐÂU đã đăng trên 4 số báo CNMS kỳ trước). Hành vi KHEN nghĩa là hướng năng lượng tâm trí vào phần TỐT của con người. Đôi khi, chỉ cần một lời khen đúng lúc, đúng cách, trong phút chốc bạn có thể làm thay đổi cả vận mệnh của người đó.
Trong giáo dục, lời khen có tác dụng vô cùng kỳ diệu. Xin phép được kể với các bạn quang cảnh Ngày Hội Bơi (swimming gala) ở một trường phổ thông quốc tế tại TP HCM. Tất cả học sinh đều phải tham gia và được chia làm 3 nhóm: Tiên Phong, Bơi Tốt và Rất Cố Gắng. Nhóm Tiên phong và nhóm Bơi Tốt là những bé bơi cực giỏi và khá giỏi, sẽ bấm giờ tranh giải. Vấn đề là ở nhóm Rất cố gắng: đây là những bạn nhỏ bơi còn rất kém, chỉ nổi trên mặt nước và di chuyển được tí chút. Sau khi 2 nhóm đầu đã thi xong, đến lượt nhóm Rất cố gắng xuống hồ cùng với một số thầy cô đã mặc sẵn đồ bơi. Không cần tả, cũng có thể hình dung được sự e dè của các bé, sau khi chứng kiến thành tích ‘hoành tráng’ của các bạn chung lớp. Nhưng rồi . . .đồng thanh. . .toàn thể các bạn đã đoạt giải ngồi trên bờ cùng nhau hò reo, huýt sáo, hô thật to: “các bạn ơi, cố lên, đạp chân mạnh lên, khua tay nhanh nữa, sắp đến rồi, đừng bỏ cuộc, chúng tôi chờ bạn, cố lên. . .”. ‘Mật lệnh’ của thầy cô cho toàn bộ cổ động viên là: Hô câu gì cũng được, nhưng phải thật tích cực! Ở dưới nước, thầy cô sẽ đẩy cho các bé di chuyển dần đến đích và cũng liên tục động viên: “Khua tay đạp chân mạnh lên nào, cố lên, sắp đến rồi, đừng bỏ cuộc...” Những hàng ghế rung lên theo tiếng cổ động của gần 2000 bạn nhỏ! Cứ mỗi lần có một bạn ‘lóp ngóp’ leo lên bờ, thì lại nghe “bạn bơi giỏi quá, tới đích rồi!”. Không còn đẳng cấp ‘giỏi - dở’, không còn mặc cảm hơn - thua. Một ấn tượng đẹp khó có thể phai mờ trong tâm trí của bất kỳ ai tham dự.
Trong khi đó. . . .
Một nữ diễn viên kể lại: lần đó, trường nghệ thuật sân khấu của cô tổ chức cho các học sinh năm thứ 4 đi diễn, cô bạn mới học nên chỉ được làm hậu cần. Hôm ấy, sắp đến giờ diễn thì một chị diễn viên bị ốm bất ngờ. Thấy nguy quá cô bèn xin thay vai. Màn mở, khi cô thực hiện gần xong lớp diễn thì khán giả vỗ tay rần rần. Sáng hôm sau, thầy phụ trách nhận xét trong buổi họp toàn đoàn: “Tối qua em diễn rất đạt, từ hôm nay em sẽ đảm nhận luôn vai này, nhưng đừng vì thế mà chủ quan, đừng ngủ quên trên chiến thắng, con đường còn dài.. .” v.v và v.v. . .Sau buổi họp đó, cô rút lui, bởi: “nghe những lời thầy nói, chả còn bụng dạ nào mà diễn nữa nên trả vai cho rồi”. Cũng là KHEN đấy, nhưng sao lại thế? Vì lời khen ấy khá. . .trịch thượng, thiếu chân thành!
2 - Hậu quả của việc khen con không đúng cách theo chị là gì?
KHEN không đúng cách là một cách rất ‘hiệu quả’ để làm con bất hạnh! Điều đó sẽ tạo ra một đứa trẻ ngạo mạn ngông cuồng, ảo tưởng về mình, mất ý chí phấn đấu và tất nhiên là sẽ bị cộng đồng xung quanh xa lánh.
3 - Như vậy, các bậc cha mẹ cần có cách khen ngợi con như thế nào cho phù hợp?
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “nếu cứ khen ngợi, động viên mãi, sợ rằng con sẽ tự kiêu”. Có lẽ vì lý do rất. . .ngây ngô này mà đa phần phụ huynh châu Á khi dạy con rất kiệm lời khen. Có tự kiêu hay không, điểm nhấn nằm ở kỹ thuật khen. Ví dụ: giá như ông thầy của cô diễn viên khen rằng: “Em đã nghiên cứu vai rất nghiêm túc, chọn kỹ thuật thể hiện rất phù hợp, nên đạt hiệu quả sân khấu cao. Em cứ làm việc tích cực như vậy, thầy nghĩ em sẽ sớm tỏa sáng” à tức là khen công việc của trò làm, chứ không hề khen bản thân - tức bản ngã - của trò, thì cái bản ngã tự kiêu làm gì có đất nảy mầm! Thay vào đó, ta sẽ có một cô diễn viên trẻ luôn nghiên cứu vai nghiêm túc, luôn siêng năng tìm tòi lựa chọn kỹ thuật thể hiện phù hợp khi nhận vai. Đó mới chính là điều kỳ diệu mà hành vi KHEN NGỢI có thể đem tới.
Cảm ơn chị và chúc chị sức khỏe!